Thời Pháp thuộc
Bản đồ thành phố Đà Nẵng (Tourane) năm 1908 (trừ bán đảo Sơn Trà không được thể hiện trong bản đồ).
Ngày 17 tháng 8 năm 1888, Tổng thống Pháp ký sắc lệnh thành lập ba thành phố ở Việt Nam là Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng.[1] Ngày 3 tháng 10 năm 1888, Vua Đồng Khánh buộc phải ký một đạo dụ gồm 3 khoản quy định rõ "...Đà Nẵng được chính phủ Đại Nam kiến lập thành nhượng địa Pháp và nhượng trọn quyền cho chính phủ Pháp, và chính phủ Đại Nam từ bỏ mọi quyền hành trên lãnh thổ đó". Theo phụ đính của đạo dụ này, năm xã của huyện Hòa Vang gồm Hải Châu, Phước Ninh, Thạch Thang, Nam Dương và Nại Hiên Tây nằm bên tả ngạn sông Hàn được cắt giao cho Pháp để lập "nhượng địa" Tourane với diện tích 10.000 ha.[2] Ngày 24 tháng 5 năm 1889, Toàn quyền Đông Dương Étienne Richaud ra nghị định thành lập thành phố Đà Nẵng thuộc tỉnh Quảng Nam.[3] Đà Nẵng là thành phố loại 2, tương tự như thành phố Chợ Lớn thành lập trước đó.[4] Đơn vị hành chính này chịu sự cai quản trực tiếp của Toàn quyền Đông Dương thay vì triều đình Huế.[5] Đứng đầu thành phố là một viên Đốc lý do Khâm sứ đề nghị và Toàn quyền bổ nhiệm.[4] Ngày 15 tháng 1 năm 1901, dưới sức ép của Pháp, Vua Thành Thái buộc phải ký một đạo dụ nới rộng nhượng địa Đà Nẵng thêm 14 xã, cụ thể là thêm 8 xã thuộc huyện Hòa Vang bên tả ngạn sông Hàn và 6 xã thuộc huyện Diên Phước bên hữu ngạn sông Hàn.[6] Ngày 19 tháng 9 năm 1905, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định tách Đà Nẵng khỏi tỉnh Quảng Nam để trở thành một đơn vị hành chính độc lập gồm 19 xã.[7] Như vậy vào đầu thế kỷ XX, thành phố Tourane/Đà Nẵng đã vươn về phía tây và tây bắc, còn phía đông thì đã vượt sang hữu ngạn sông Hàn chiếm trọn bán đảo Sơn Trà.[8][6][9]
Đầu thế kỷ XX, Tourane được Pháp xây dựng trở thành một đô thị theo kiểu Tây phương. Cơ sở hạ tầng xã hội, kỹ thuật sản xuất được đầu tư. Sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chế biến hàng xuất khẩu, sửa chữa tàu thuyền, kinh doanh dịch vụ được hình thành và phát triển; cùng với Hải Phòng và Sài Gòn, Tourane trở thành trung tâm thương mại quan trọng.[5] Cảng Đà Nẵng đã tương đối hoàn chỉnh và đi vào hoạt động từ giai đoạn 1933-1935. Sân bay dân dụng cũng được nhà cầm quyền sớm xây dựng vào năm 1926.[10] Hầu hết các công ty lớn nhất hoạt động ở Đông Dương đều hiện diện ở Đà Nẵng.[11] Dân số thành phố tăng lên nhanh chóng; năm 1936, Đà Nẵng có 25.000 người; năm 1945 có khoảng 30.000 người.[12]
Thời