Mường Tè bắt đầu thuộc lãnh thổ Việt Nam vào thời Lê sơ, năm 1432, khi Lê Thái Tổ đánh dẹp xong Đèo Cát Hãn, thu được đất Mường Lễ (vùng đất nay là tỉnh Lai Châu, đổi tên thành Phục Lễ). Đời Lê Thánh Tông, Mường Tè là một châu thuộc phủ An Tây thừa tuyên (xứ) Hưng Hóa của Đại Việt, thủ phủ của châu là địa bàn xã Mường Tè ngày nay. Theo Lê Quý Đônː Mường Tè chính là tên gọi bản địa (tức là thổ âm) của châu Tuy Phụ xứ Hưng Hóa nhà Lê[2]. Lê Quý Đôn viết rằngː "Từ châu Quảng Lăng trở lên, có châu Tuy Phụ (綏阜) thổ âm gọi là Mường Tè (芒齊), châu Hoàng Nham thổ âm gọi Mường Tông, châu Tung Lăng thổ âm gọi Phù Phang, châu Khiêm thổ âm gọi Mường Tinh, châu Lễ Tuyền thổ âm gọi Mường Bẩm, châu Hợp Phì thổ âm gọi Trình Mi, đều bị mất về Trung Quốc không biết từ đời nào?..." Cũng theo Lê Quý Đôn thì Mường Tè tức châu Tuy Phụ xứ Hưng Hóa nhà Lê đã bị mất sang lãnh thổ nhà Thanh vào khoảng thế kỷ 18 nhưng không biết từ năm nào. Một số sử quan nhà Nguyễn (trong đó có Nguyễn Văn Siêu, Phạm Thận Duật) thì cho rằng Hoàng Công Toản con trai Hoàng Công Chất, khi bị nhà Lê-Trịnh đánh dẹp đã chạy sang Trung Quốc và nộp các châu kể trên trong đó có châu Tuy Phụ cho nhà Thanh (khoảng những năm 1760-1770).
Qua thời nhà Tây Sơn quản lý Bắc Hà (1786-1802), đến thời Nhà Nguyễn độc lập (1802-1883), đất Mường Tè tức châu Tuy Phụ, cùng với 6 châu lân cận kể trên, không còn thuộc phủ An Tây trấn (sau là tỉnh) Hưng Hóa của Đại Việt cũng như Đại Nam (Việt Nam) nữa, mà thuộc lãnh thổ tỉnh Vân Nam Trung Quốc.
Sa